Những quy định
Theo các qui định về kiến trúc, qui chuẩn xây dựng tại TP.HCM, nếu hẻm có lộ giới < 4m thì được xây dựng tối đa hai tầng (tức một trệt, một lầu). Trong trường hợp cần thiết có thể được phép xây thêm một phần của tầng trên cùng - tính từ lồng cầu thang về phía sau. Tầng lửng không tính là một tầng nhưng việc bố trí tầng lửng phải đảm bảo qui định về chiều cao tối đa của tầng trệt là không quá 5m.
Đáng chú ý, theo Sở Xây dựng, công trình tạm có diện tích lớn hơn 250 m2 cũng phải nộp thêm bản vẽ kết cấu trong hồ sơ (ngoài các thành phần cơ bản là giấy tờ nhà đất, bản vẽ xin phép xây dựng và đơn xin cấp phép xây dựng theo quy định tại Nghị định 64/2012). Ngoài ra, không phải đương nhiên mọi công trình tạm đều được xây tối đa ba tầng, mà tùy tình hình thực tế chính quyền địa phương sẽ quyết định số tầng phù hợp.
Về quy định công trình tạm có thời hạn tồn tại là năm năm, nhiều quận/huyện thắc mắc: “Ngày công bố quy hoạch” được tính từ mốc thời gian nào, bởi hiện có những quy hoạch đã bị treo cả chục năm. “TP đã chỉ đạo những quy hoạch công bố quá lâu mà chưa thực hiện sẽ phải công bố lại. Còn quy hoạch mới công bố thì sẽ thực hiện theo ngày mới công bố” - đại diện Sở Xây dựng giải đáp.
“Trong trường hợp nhà đất có tranh chấp, khiếu nại thì cơ quan cấp phép xây dựng từ chối hay vẫn tiếp tục giải quyết?” - đại diện quận 4 thắc mắc. Sở Xây dựng cho hay chỉ những cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (tòa án, VKS…) mới được quyền yêu cầu ngăn chặn. “Khi đó cơ quan cấp phép có thể gửi văn bản hỏi các đơn vị liên quan có thụ lý vụ tranh chấp này chưa, có ý kiến gì về việc ngăn chặn trong thời hạn 10 ngày làm việc như Quyết định 21 đã quy định” - ông Tuyến hướng dẫn.
Tư vấn thiết kế
Hẻm trong đô thị phần lớn khúc khuỷu, xây dựng qua nhiều thời kỳ khá phức tạp, nhưng cũng có những quy luật chọn lựa địa thế tốt:- Chiều rộng hẻm ổn định từ 5m trở lên là tốt cho xe cộ và lưu thông khí. Ði từ ngoài vào hay trong ra đều có thể quan sát thấy được đa số nhà đất của hẻm. Nền hẻm nên bằng hoặc cao hơn so với ngoài đường để tránh tù đọng nước.
- Nhà đất không nên ở cuối vị trí hẻm cụt đâm thẳng vào vì các luồng gió độc thổi thẳng, dễ gây bệnh, đồng thời khi có hỏa hoạn sẽ thoát hẻm khó. Tuy nhiên, khi chiều dài hẻm cụt chỉ trong khoảng 40m thì lại khá tốt, đồng thời trục nhà không thẳng với trục của hẻm thì cũng không ảnh hưởng xấu nhiều. Nhà cuối hẻm có thể khắc phục khí xấu bằng cách trồng cây.
- Nếu có điều kiện, khi mua đất trong hẻm (hoặc đường nội bộ khoảng 5m), bạn nên chọn hoặc vận động cư dân xung quanh làm khoảng quay xe cuối hẻm cụt. Ðây là hình thế tốt cho mọi lô đất kề cận vì tất cả đầu hưởng 1 minh đường (khoảng đất trước cửa nhà) rộng rãi, thoáng đãng có thể kết hợp làm khoảng cây xanh chỗ dạo chơi.
Có thể trong hẻm có chỗ nhà cao nhà thấp, nhưng quan trọng là phía trước và 2 bên lân cận nhà không quá tăm tối và bị lấn át. Không nên nhô nhiều ban công vì tầm nhìn trong hẻm hạn chế hơn so với ngoài đường lớn. Đồng thời, cần tăng diện tích sân khi có thể: sân trước, sân sau, sân giữa hay sân thượng đều tốt cho nguồn khí và lấy thêm được nhiều ánh sáng năng lượng mặt trời vào nhà.